[YPhap]

        

Tư duy độc lập qua góc nhìn Phật Giáo

Cư sĩ Diệu Tâm


Tư duy độc lập qua góc nhìn Phật Giáo

 Vậy là sắp hết một năm, chúng ta đã trải qua bao sự biến động do đại dịch Covid-19 để lại. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của mỗi người, dẫn đến tư duy lệch nhịp. Giữa tình hình căng thẳng, chúng ta hãy cho phép bản thân dừng lại để quan sát về thái độ và tư duy sống của mình. Dưới đây là những tư liệu kinh sách và quan điểm của các nhà tri thức nói về tư duy độc lập qua góc nhìn Phật Giáo. Chúng ta hãy cùng xem Đức Phật đã tư duy như nào trước thời cuộc và dòng chảy vô thường vẫn đang diễn ra.

 Con người đã tư duy độc lập như thế nào?

 Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được sinh ra để làm hoàng tử ở kinh thành La vệ (Ấn Độ xưa). Lúc bấy giờ, Ngài được biết đến với danh xưng thái tử Tất Đạt Đa - người đã được sắp đặt sẵn để sau này trở thành vua của một nước. Khi ấy, vua cha Tịnh Phạn, kinh thành Ca - tỳ - la - vệ và cả một quốc dân mong chờ điều đó. Họ đã chuẩn bị tất cả để để chờ đợi hoàng tử một ngày lên ngôi vua. Nhưng bằng những quán tưởng sâu sắc về cuộc  đời, về vũ trụ, nhân sinh quan và thế giới quan; cuối cùng thái tử Tất Đạt Đa kiên quyết đã không lên ngôi vua. Ngài từ bỏ kinh thành và sự sắp xếp mà người khác dành cho mình, để đi tìm một con đường mới. Đó chính là một biểu tượng vô cùng sống động về việc thái tử Tất Đạt Đa, lúc đó đã tư duy độc lập như thế.

 Dám bỏ những trường tu khổ hạnh để tìm ra trường tu của riêng mình

 Sau khi bỏ kinh thành để đi tu, thái tử Tất Đạt Đa đã đi theo nhiều trường tu khác nhau. Lúc bấy giờ ở xã hội Ấn Độ cổ đại, phổ biến nhất là tu trường khổ hạnh. Ngài nhận ra rằng, khổ hạnh ép xác không giúp mình giải thoát. Cũng vậy, khi sống trong vàng son, nhung lụa ở kinh thành cũng không giúp mình giải thoát. Ngài quyết định bỏ trường tu khổ hạnh và tìm ra trường tu của riêng mình, không sướng quá như sống trong kinh thành, không khổ quá như trường tu khổ hạnh, mà phải ở giữa - đó là trường tu trung đạo.

Một con người ngay từ những bước tu tập tập đầu tiên, đã chọn ra một trường tu phù hợp với suy nghĩ, quán tưởng của riêng mình. Điều này cho thấy, thái tử Tất Đạt Đa đã tư duy hoàn toàn độc lập so với những tôn giáo khác đi trước và cùng thời với mình.

 

Một tôn giáo khước từ thần linh

 Trong khi rất nhiều tôn giáo tại Ấn Độ là hữu thần thì đạo Phật là tôn giáo vô thần. Ta biết bộ kinh cổ xưa nhất của người Ấn Độ là kinh Vệ Đà, quan điểm nổi tiếng về bộ kinh này chính là “thần khởi”. Những giáo sĩ, tăng nữ đọc kinh này được coi như những người nhận nhiệm vụ rất đặc biệt của thần linh.

Trong bộ kinh cổ thứ hai sau kinh Vệ Đà tức Upanishad tồn tại một quan điểm: “Trong cuộc đời có một linh hồn vũ trụ tối cao là Brahman. Trong mỗi con người tồn tại một linh hồn cá thể tên là Atman.” Khi con người sống tử tế, lương thiện thì sau khi chết đi Atman hoà vào Brahman, lúc đó con người chạm vào giải thoát.

Trong thế giới của Upanishad (Áo nghĩa thư) là một thế giới của thần linh. Sau này ba vị thần cai quản vũ trụ được Ấn Độ giáo chỉ ra: Vị thần sáng tạo Brahma, vị thần chiến tranh Shiva và thần bảo trợ Vishnu.

Nhưng kể từ khi Phật pháp ra đời, quan điểm của Phật Giáo là không có thần thánh, số phận của con người do chính họ quyết định. Đó là sự khác biệt so với các tôn giáo khác thời tiền Đức Phật, khẳng định Phật Giáo ra đời thể hiện tính độc lập trong tư duy và quan điểm.

Quan điểm về Nghiệp không chỉ riêng đức Phật mới có, trước đó những tôn giáo Ấn Độ có những quan điểm rất rõ ràng: Nhân - Quả - Nghiệp là tôn giáo của tiền Đức Phật chứ không phải riêng quan điểm của đức Phật. Nhưng khi đức Phật tìm ra Phật giáo, Ngài đã đặt sau chữ “Nhân”, trước chữ “Quả”  một chữ “Duyên”. Chữ “Duyên” thể hiện rõ Ngài đã tư duy độc lập ra sao. Bởi với chữ “Duyên”, Ngài đã chứng minh cho con người thấy, kiếp trước dẫu chúng ta có trót gieo nghiệp ác, nhưng kiếp này chúng ta khởi những duyên lành thì có thể cảm hoá được nghiệp ác trước đó để tạo ra quả an lành.

Đặt giữa “Nhân” và “Quả” một chữ “Duyên” Đức Phật đã dành cho con người quyền chủ động về số phận của mình. Đức Phật đã chuyển quan điểm “Định mệnh luận” (Ấn Độ giáo) thành “Quyết định luận” (Phật Giáo). Số phận của con người do chính con người quyết định: cái này có vì cái kia có, cái này mất vì cái kia mất. Vạn vật do duyên mà thành, vạn vật hết duyên mà diệt; không có nguyên nhân đầu tiên, không có kết quả sau cuối. Đó là những quan điểm vô cùng khác biệt của Đức Phật so với những tôn giáo khác trước và cùng thời với mình.

 Đừng vội tin vào bất cứ ai

 Trong bộ kinh rất nổi tiếng của Phật Giáo là Kalama, có kể một câu chuyện rất đáng suy ngẫm. Một ngày kia, Đức Phật đi qua bộ tộc Kalama, có rất nhiều thanh niên của bộ tộc chạy ra hỏi Ngài: “Kính Bạch Đức Thế Tôn! Bất cứ một vị giáo chủ nào đi qua đây đều cho rằng tôn giáo của mình là số một. Vậy thưa Đức Thế Tôn đâu mới là tôn giáo số một?”. Đức Phật từ tốn giải thích: “Hỡi các thanh niên của vùng Kalama! Các ngươi đừng tin ngay bất cứ một lời giáo chủ hay bất cứ một vị truyền đạo nào. Khi tiếp cận một giáo lý, các ngươi hãy quán tưởng, ứng dụng giáo lý đó vào trong cuộc đời của mình. Nếu thấy có ích cho mình thì hãy tin”.

 Với một câu trả lời như vậy, rõ ràng Phật Giáo không mang tính áp đặt chúng sinh, Phật Giáo khởi thị chúng sinh. Quan điểm của Phật cho thấy, mỗi một chúng sinh hãy tìm cho mình cái phù hợp giúp ích nhất cho mình. Đó là một minh chứng cho thấy sự tư duy độc lập của Đức Phật.

Tư duy độc lập là khái niệm đến từ những nhà nghiên cứu phương Tây. Nhưng khi nghiên cứu cuộc đời và giáo lý của một nhà vĩ nhân phương Đông, ta thấy tinh thần tư duy độc lập là rất rõ.

 

Mỗi khi vào một ngôi chùa ngắm nhìn khuôn mặt bình an, tịnh độ của Đức Phật, chúng ta sẽ thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Nhưng trong cuộc sống hối hả hiện nay, việc đi chùa không phải thói quen mà ai cũng có điều kiện làm được. Việc treo hình Đức Phật ở một nơi trang nghiêm trong nhà là cách mỗi người sẽ khởi lên suy nghĩ, cần sống và tư duy độc lập trong hành trình đi tìm căn tính của mỗi người.

 Học và hành theo Đức Phật

 Con người học theo Đức Phật về tư duy độc lập cần ý thức được đâu là tư duy đúng, đâu là sai. Bởi lẽ giữ cho mình một lối tư duy riêng là tốt, nhưng nếu không phân biệt được lợi ích và tác hại, chỉ khi tác ý thì mọi việc cũng đã thành. Chánh tư duy là chi phần thứ hai trong Bát Chánh Đạo, có nghĩa là sự suy nghĩ chân chánh. Tư tưởng đúng lẽ phải bằng sự ý thức của chính mình phù hợp với thực tế cuộc sống, tiếng nói bên trong gọi là tư duy. Chánh tư duy còn là sự suy nghĩ, nhận xét một cách chân chính và những phát hiện mang đến lợi ích an lạc cho mình, cho người. Trái với Chánh tư duy là Tà tư duy (Tà chí),  chỉ những suy tư nghĩ ngợi của lòng tham dục, sân uế, ác hại, buông lung.

 Để có Chánh tư duy người học Phật phải hành trì, tu tập tiêu trừ ba độc tố: Tham - Sân - Si, không để chúng len lỏi vào đời sống cho dù dưới bất cứ hình thức nào. Lẽ tất nhiên để chuyển hóa tâm thức đó không phải một sớm một chiều mà cả quá trình “mài giũa” bền bỉ. Trên bước đường tu tập Chánh tư duy còn phải biết xét những hành vi lỗi lầm, những ý nghĩ không tốt để sám hối nhằm chuyển hóa Tham - Sân - Si để không bị sai khiến bởi vô minh, đưa đến giác ngộ giải thoát là trí tuệ. Nhờ có trí tuệ mới nhận thức được các pháp là Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Chúng ta phải kết hợp Văn, Tu, Tư, dù có nghe, có tu mà không tư duy, quán chiếu thì làm sao phát sinh được trí tuệ, có trí tuệ mới soi sáng được mọi sự vật. Nhờ vậy mới biết cách buông xả tham lam, sân hận, si mê mà chuyển  hóa thành trí tuệ từ bi rộng lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống xã hội. Còn bằng Tà tư duy, chấp ngã, vì lợi ích cá nhân chỉ gây ra đau khổ, tội ác, bất ổn cho người và xã hội.

 Con người luôn đa mưu nhiều chước, tư duy vô cùng tận. Hãy quan sát thực tế sự bất ổn của cuộc sống quanh ta như: vệ sinh môi trường sông hồ, đường phố, rác thải, túi nilon, lớn hơn chút là bảo vệ rừng, khí thải… Nếu ai cũng nghĩ xả rác ra đường, vứt chất bẩn xuống sông hồ gây ô nhiễm môi trường, hại sức khỏe, mất thẩm mỹ thì cuộc sống sẽ bớt rủi ro gây ô nhiễm hơn. Phá rừng gây mất dưỡng khí, lũ lụt, hạn hán, muôn loài không nơi nương tựa, sát hại chết chóc chính là không có lòng từ bi.

 Trên bước đường tu tập, nên hướng về hạnh nguyện Đức Phật ta mới có một cách nhìn toàn diện, viên mãn, xả bỏ để giải thoát. Thời trẻ Ngài còn theo cha ra cày ruộng, khi thấy côn trùng bị đất xới lên thì chim bay đến ăn, Ngài có cái nhìn khác đời thường, tư duy về cái chết giữa con vật yếu bị con vật lớn ăn thịt. Khi lớn lên đến bốn cửa thành, Ngài cũng tư duy về sanh, lão, bệnh, tử. Hai cái nhìn này đều nói lên lòng từ bi muốn cứu vớt chúng sanh, đến khi ngồi bên cội Bồ đề, Ngài tư duy tham thiền định nhập định 49 ngày đạt quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Rồi 45 năm hoằng pháp độ sinh, lúc nào Ngài cũng hướng về cứu khổ chúng sinh, nên được tôn xưng là bậc Đạo sư của trời người. Đức Phật luôn gieo vào lòng chúng ta tư duy chân chánh, để an lạc và thoát khỏi khổ đau. Suốt cuộc đời Ngài, từ lúc nhỏ đến ngày nhập Niết bàn, Ngài luôn đau đáu tư duy chỉ mong sao chúng sinh thoát khỏi luân hồi để đạt đến giác ngộ giải thoát.

 Xã hội xưa nay đủ mọi thành phần giai cấp, không thiếu Tà tư duy và Chánh tư duy đan xen nhau gây bất ổn đời sống. Chúng ta cần ý thức rõ việc tư duy độc lập trong mỗi quyết định của mình. Từ việc làm kinh tế, hành xử trong gia đình, đến ý thức với đời sống xã hội, mỗi cá thể có ảnh hưởng nhất định đến một cộng đồng nói chung. Vì vậy để cuộc sống an lạc, không còn khổ đau, chúng ta hãy học theo lời Phật dạy nhằm hướng tới sự "hạnh phúc tột bậc " là Niết Bàn vô thượng.

Đinh Hoài


[Main Index] Last updated: 10/12/2021 - 14:57:53

Web master: pxtuan@yahoo.com